Contactor là một thiết bị điện được sử dụng để đóng ngắt các tiếp điểm trong mạch điện. Khi sử dụng contactor, ta có thể điều khiển mạch điện từ xa với điện áp đến 500V và dòng điện lên tới 600A. Vị trí điều khiển và trạng thái hoạt động của contactor có thể cách xa vị trí các tiếp điểm đóng ngắt trong tủ điện điều khiển.
Phân loại Contactor
- Theo nguyên lý truyền động: Contactor kiểu điện từ (truyền điện bằng lực hút điện từ), kiểu hơi ép, kiểu thủy lực. Thông thường, contactor kiểu điện từ được sử dụng trong tủ điện.
- Theo dạng dòng điện: Contactor một chiều và contactor xoay chiều (1 pha và 3 pha).
Cấu tạo Contactor
-
Nam châm điện
- Cuộn dây: Tạo ra lực hút nam châm.
- Lõi sắt: Gồm hai phần, phần cố định và phần nắp di động. Lõi thép có thể có dạng EE, EI, hoặc CI.
- Lò xo phản lực: Đẩy phần nắp di động trở về vị trí ban đầu.
-
Hệ thống dập hồ quang
- Khi contactor chuyển mạch, hồ quang điện xuất hiện làm các tiếp điểm bị cháy mòn. Hệ thống dập hồ quang gồm nhiều vách ngăn bằng kim loại đặt cạnh hai tiếp điểm tiếp xúc nhau, nhất là ở các tiếp điểm chính của contactor.
-
Hệ thống tiếp điểm
- Tiếp điểm chính: Cho phép dòng điện lớn đi qua (từ 10A đến vài nghìn A, ví dụ khoảng 1600A hay 2250A). Tiếp điểm chính thường hở và đóng lại khi cấp nguồn vào mạch từ của contactor.
- Tiếp điểm phụ: Cho phép dòng điện nhỏ hơn 5A đi qua. Tiếp điểm phụ có hai trạng thái: Thường đóng và thường hở.
Tiếp điểm thường đóng ở trạng thái đóng khi cuộn dây nam châm ở trạng thái nghỉ (không được cung cấp điện) và hở ra khi contactor ở trạng thái hoạt động. Ngược lại là tiếp điểm thường hở.
Hệ thống tiếp điểm chính thường được lắp trong mạch điện động lực, còn các tiếp điểm phụ lắp trong mạch điều khiển của contactor để điều khiển việc cung cấp điện đến cuộn dây nam châm theo quy trình định trước. Một số nhà sản xuất chế tạo các tiếp điểm phụ thành những khối rời đơn lẻ để tiện lắp ghép thêm vào contactor khi cần thiết.
Nguyên lý Hoạt động của Contactor
Khi cấp nguồn với giá trị điện áp định mức vào hai đầu của cuộn dây quấn trên phần lõi từ cố định, lực từ tạo ra sẽ hút phần lõi từ di động, hình thành mạch từ kín. Lúc này, lực từ lớn hơn phản lực của lò xo, contactor ở trạng thái hoạt động. Nhờ bộ phận liên động về cơ giữa lõi từ di động và hệ thống tiếp điểm, tiếp điểm chính sẽ đóng lại, tiếp điểm phụ chuyển đổi trạng thái và duy trì trạng thái này. Khi ngưng cấp nguồn cho cuộn dây, contactor trở về trạng thái nghỉ, và các tiếp điểm trở về trạng thái ban đầu